Tổng quan về quản lý rủi ro ngân hàng PDF
Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, tự do hóa tài chính, loại bỏ các rào cản thương mại,
tài chính và gianh giới toàn cầu đã dẫn đến sự tăng trưởng nhanh chóng, đa dạng và phức tạp
trong hoạt động ngân hàng. Hoạt động ngân hàng đối mặt với ngày càng nhiều rủi ro, như rủi ro
tín dụng, rủi ro thị trường và thanh khoản, rủi ro hoạt động, pháp lý và các loại rủi ro khác. Các
rủi ro này có liên quan mật thiết với nhau và ảnh hưởng tới nhau. Sự xuất hiện của rủi ro này có
thể kéo theo sự xuất hiện của rủi ro khác. Đồng thời cơ quan giám sát và quản lý ngân hàng tập
trung hơn vào việc quản lý rủi ro và khả năng sinh lời của các ngân hàng. Điều này đỏi hỏi các
ngân hàng phải tập trung và quan tâm nhiều hơn tới việc quản lý rủi ro.
Các cuộc khủng kinh tế tài chính toàn cầu ngày càng tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực
và ngành ngân hàng – tài chính là ngành chịu tác động đầu tiên và mạnh mẽ, đã có hàng nghìn
ngân hàng bị xóa sổ mặc dù có những ngân hàng với lịch sử hàng trăm năm phát triển với kinh
nghiệm, đội ngũ lãnh đạo và vốn lớn hàng đầu thế giới. Rủi ro là không thể tránh khỏi đối với bất
kỳ ngân hàng nào, hoạt động kinh doanh của ngân hàng vốn đã gắn liền với rủi ro vì thế không
thể loại trừ rủi ro mà phải quản lý rủi ro sao cho hạn chế tới mức thấp nhất có thể chấp nhận
được và xa hơn là quản lý rủi ro để tạo ra lợi ích cho ngân hàng bởi rủi ro gắn liền với lợi nhuận.
Tất nhiên điều này tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng.
Các chính sách về quản lý rủi ro cần xác định rõ các loại rủi ro được quản lý, quy định cơ
cấu tổ chức và cung cấp việc đào tạo nguồn nhân lực cần thiết phù hợp với các cấp quản lý rủi
ro. Chính sách đưa ra cần đảm bảo đo lường được hiệu quả và phù hợp với cơ cấu quản lý rủi
ro, duy trì các biện pháp khác nhau để củng cố, tăng cường sự tinh vi của hệ thống quản lý rủi ro
trong việc đưa ra các cảnh báo sớm và có hành động kịp thời cũng như các giải pháp dự phòng.
“Quản lý rủi ro phải là một quá trình liên tục tại tất cả các cấp của tổ chức tín dụng và đóng
vai trò quan trọng đối với khả năng thực hiện các mục tiêu, duy trì khả năng tài chính và trả nợ
của tổ chức đó” – Basel 2. Đồng thời hình thành nên văn hóa kiểm soát rủi ro tại Ngân hàng , mỗi
cán bộ nhân viên đều coi quản lý rủi ro là trách nhiệm của mình ở các mức độ và phạm vi khác
nhau.
Quản lý rủi ro của ngân hàng đứng trên nhiều góc độ khác nhau và cần xem xét quản lý rủi
ro ở mọi cấp độ. Cấu trúc quản lý rủi ro theo thông lệ mới gồm ba “hàng phòng thủ”: hàng thứ
nhất bản thân bộ phận kinh doanh (bộ phận trực tiếp chấp nhận rủi ro), hàng thứ hai là chức
năng quản lý rủi ro độc lập và hàng thứ ba là bộ phận kiểm soát nội bộ.
Khối Quản lý Rủi ro là bộ phận độc lập và tách khỏi chức năng kinh doanh, không phải là
bộ phận chấp nhận rủi ro. Hoạt động chủ yếu của Khối Quản lý Rủi ro mang tính chất giám sát và
cảnh báo toàn bộ hoạt kinh doanh của hệ thống xem có tuân thủ theo chính sách kiểm soát rủi ro
do Ban lãnh đạo đề ra không. Từ đó báo cáo kịp thời, đầy đủ và chính xác lên các cấp lãnh đạo
các biểu hiện sai phạm có thể dẫn đến thiệt hại cho ngân hàng.